Những kiến thức vật lý vui không chỉ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về thế giới xung quanh mà còn khơi dậy niềm đam mê và hứng thú với khoa học. Khi tiếp cận vật lý từ góc nhìn thú vị và vui nhộn, chúng ta có thể khám phá những nguyên lý phức tạp một cách dễ dàng và hấp dẫn hơn. Hãy cùng hocvientrithuc.com khám phá trong bài viết này nhé!
Những hiện tượng vật lý thú vị
Tại sao mắt mèo một ngày biến đổi 3 lần?
Đồng tử của mèo rất lớn, và khả năng co lại của cơ vòng đồng tử rất mạnh. Ở người, khi nhìn thẳng vào mặt trời, đồng tử sẽ thu nhỏ lại. Tuy nhiên, chúng ta chỉ có thể nhìn được đến một mức độ nhất định, không thể thu nhỏ đồng tử thêm nữa vì nếu nhìn quá lâu sẽ gây nhức mắt. Khi nhìn vào nơi tối trong một thời gian dài, chúng ta sẽ cảm thấy nóng mắt.
Ngược lại, mèo có khả năng thích ứng rất tốt với sự thay đổi của ánh sáng. Dưới ánh sáng mạnh vào ban ngày, đồng tử của mèo có thể thu nhỏ lại đến mức cực nhỏ, giống như một sợi chỉ. Vào ban đêm, khi trời tối đen, đồng tử của mèo có thể mở rộng như trăng rằm. Khi ánh sáng yếu vào lúc sáng sớm hoặc nhá nhem tối, đồng tử của mèo sẽ có hình hạt táo.
Như vậy, đồng tử của mèo có khả năng co giãn rất lớn so với đồng tử của con người, do đó khả năng phản ứng với ánh sáng của chúng cũng nhạy bén hơn chúng ta. Vì thế, dù ánh sáng quá mạnh hoặc quá yếu, mèo vẫn có thể nhìn rõ các vật như thường.
Vì sao diều có thể bay trên trời?
Để diều bay lên, nó phải đón gió và mặt diều phải nghiêng xuống dưới, hai yếu tố then chốt này quyết định khả năng bay của diều. Khi diều đón gió, không khí thổi vào mặt diều bị cản lại, làm giảm tốc độ gió một cách đột ngột và tăng áp lực lên diều. Do mặt diều nghiêng xuống, áp lực gió tác động vuông góc với mặt nghiêng này. Lực này lớn hơn trọng lực của diều, giúp đẩy diều bay lên. Khi gió quá yếu, người ta thường vừa chạy vừa thả diều để tăng tốc độ đón gió, từ đó tăng áp lực gió lên diều.
Khi bay lên, diều có thể lắc qua lắc lại hoặc lộn đầu xuống. Để diều bay ổn định, ta có thể gắn tua hoặc dải dây vào cuối diều. Từ góc độ vật lý, điều này giúp điều chỉnh trọng tâm của diều hướng xuống dưới. Khi diều nghiêng quá, trọng lực sẽ giúp nó khôi phục lại vị trí ban đầu. Ngoài trọng tâm, hình dáng và tỉ lệ các bộ phận của diều, cũng như hướng gió, đều là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự cân bằng của diều.
Người nhảy dù rơi như thế nào?
Nhiều người thường nghĩ rằng khi “rơi như hòn đá” mà không mở dù, người sẽ rơi xuống với vận tốc tăng mãi và thời gian của cú nhảy sẽ rất ngắn. Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy.
Sức cản của không khí ngăn không cho vận tốc tăng liên tục. Vận tốc của người nhảy dù chỉ tăng trong khoảng 10 giây đầu tiên, trên quãng đường mấy trăm mét đầu tiên. Sức cản không khí tăng nhanh theo vận tốc, đến mức vận tốc không thể tăng thêm nữa. Chuyển động nhanh dần trở thành chuyển động đều.
Tính toán cho thấy, sự rơi nhanh dần của người nhảy dù (khi không mở dù) chỉ kéo dài khoảng 12 giây đầu tiên hoặc ít hơn, tùy theo trọng lượng của họ. Trong khoảng thời gian này, họ rơi được chừng 400-500 mét và đạt vận tốc khoảng 50 mét/giây. Vận tốc này duy trì cho đến khi dù được mở.
Những giọt nước mưa cũng rơi tương tự như vậy. Điểm khác biệt là giai đoạn rơi ban đầu của giọt nước mưa (tức là giai đoạn vận tốc còn tăng) chỉ kéo dài khoảng một phút, hoặc thậm chí ít hơn.
Những kiến thức vật lý vui trong cuộc sống hàng ngày
Tại sao khi quạt lại thấy mát?
Khi phe phẩy quạt, chúng ta xua đuổi lớp không khí nóng xung quanh mặt và thay thế nó bằng lớp không khí lạnh. Khi lớp khí mới này nóng lên, nó lại được thay thế bằng một lớp không khí chưa nóng khác. Nhờ vậy, chúng ta luôn cảm thấy dễ chịu.
Thực tế, khi lớp không khí sát mặt chúng ta nóng lên, nó tạo thành một “cái chụp” vô hình, giữ nhiệt và làm chậm quá trình mất nhiệt ở đó. Nếu lớp không khí này không lưu thông, nó sẽ chỉ bị không khí lạnh xung quanh (và nặng hơn) đẩy lên rất chậm.
Khi chúng ta quạt, “cái chụp” này bị xua đi, giúp mặt chúng ta tiếp xúc với các lớp không khí mới chưa nóng lên, và truyền nhiệt sang các lớp không khí ấy. Nhờ đó, cơ thể chúng ta trở nên mát mẻ và cảm thấy dễ chịu.
Điều này cũng có nghĩa là, trong một căn phòng đông người, việc phe phẩy quạt giúp chúng ta cảm thấy mát mẻ bằng cách lấy đi không khí lạnh xung quanh những người khác và đẩy không khí nóng về phía họ.
Khi gặp sét, nên đứng hay nên ngồi?
Nếu gặp mưa hoặc cơn dông khi đang ở giữa một khu vực rộng và trống trải, tư thế tốt nhất cho bạn là quỳ xuống, hai đầu gối sát nhau, hai tay đặt lên đầu gối và người nghiêng về phía trước. Nếu có áo mưa, khoác thêm sẽ tạo một “vỏ bọc” tránh sét rất hiệu quả.
Nguyên tắc cơ bản để tránh sét tốt nhất là hạ người càng thấp càng tốt, tránh bị sét đánh trực tiếp và giảm tối đa diện tích tiếp xúc giữa cơ thể và mặt đất.
Tuyệt đối tránh chui vào hang hốc vì đất là môi trường dẫn điện cực tốt. Nếu có điều kiện, nên dùng vải hoặc quần áo cuộn chặt lại thành một cuộn dày khoảng 10 cm rồi quỳ lên đó để cách ly hoàn toàn cơ thể với mặt đất. Nếu đi theo nhóm, nhanh chóng tách ra, không tập trung cùng một chỗ. Nếu đang điều khiển ô tô và không tìm được chỗ trú an toàn, nên ngồi yên trong xe.
Những vị trí không nên trú nếu muốn tránh sét: cây lớn đứng một mình giữa khu vực trống (đặc biệt những cây có cành thấp và vươn xa), khu vực gần đường dây điện, cột ăng ten, đường ray tàu hỏa, hàng rào sắt, hồ nước, bể bơi, bãi tắm rộng, ngồi trên xe đạp, đứng cạnh ô tô hay chui xuống gầm xe.
Nước đá bỏng tay
Nước có thể đóng băng ở nhiều nhiệt độ khác nhau. Khi nghĩ đến nước đá, có lẽ bạn luôn cho rằng nó phải rất lạnh, vậy làm sao có thể làm bỏng tay được. Tuy nhiên, thực tế là ở điều kiện áp suất cao, nước có thể đóng băng ở nhiệt độ… 76 độ C, tức là nếu bạn chạm vào, bạn sẽ bị bỏng ngay lập tức.
Các nhà khoa học Anh là những người đầu tiên tạo ra nước đá ở nhiệt độ cao bằng cách nén nước trong một thiết bị làm bằng thép dày. Khi áp suất tăng lên 20.600 atmosphere, nước đã đóng băng ở nhiệt độ trên 75 độ C, tức là có thể làm bỏng. Các nhà khoa học gọi loại nước đá này là “băng thứ 5”. Nói chung, áp suất càng cao thì nước đá càng nóng.
Điều đáng nói là nước đá nóng đặc hơn nước đá thường, thậm chí còn đặc hơn cả nước lỏng. Tỷ khối của nước đá ở nhiệt độ 76 độ C là 1,05. Như vậy, khi bỏ nó vào nước, nó sẽ chìm chứ không nổi như đá bình thường.
Trên đây là những kiến thức vật lý vui giúp mọi người, đặc biệt là các bạn nhỏ tìm thấ niềm hứng khởi với vật lý. Hy vọng thông qua bài viết trên, mỗi người đều có thể nâng cao hiểu biết cũng như phát triển niềm đam mê với khoa học, bằng cách học hỏi và khám phá vật lý thông qua các hiện tượng và thí nghiệm thú vị.