Các vùng biển Việt Nam đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển kinh tế, bảo vệ an ninh quốc phòng và khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Bài viết này của hocvientrithuc.com sẽ tìm hiểu bản đồ các vùng biển Việt Nam với các thông tin cơ bản về các vùng biển, các đảo và quần đảo quan trọng. Cùng theo dõi bài viết dưới đây nhé!
Kiến thức cơ bản về biển đảo Việt Nam
Đường biên giới quốc gia trên biển
Đường biên giới quốc gia trên biển là ranh giới phía ngoài lãnh hải của đất liền, lãnh hải của đảo, và lãnh hải của các quần đảo Việt Nam. Biên giới được xác định và đánh dấu bằng các tọa độ trên hải đồ theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.
Ở những nơi lãnh hải, nội thủy hoặc vùng nước lịch sử của Việt Nam tiếp giáp với lãnh hải, nội thủy hoặc vùng nước lịch sử của nước láng giềng, biên giới quốc gia trên biển được xác định theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết với các nước láng giềng đó.
Các vùng biển của Việt Nam
Việt Nam có các vùng biển được xác định rõ ràng như sau:
- Nội thủy: Nằm phía trong đường cơ sở.
- Lãnh hải: Từ đường cơ sở ra 12 hải lý.
- Vùng tiếp giáp lãnh hải: Từ lãnh hải tiếp ra 12 hải lý.
- Vùng đặc quyền kinh tế: Từ đường cơ sở ra 200 hải lý.
- Thềm lục địa: Khu vực đáy biển và lòng đất dưới đáy biển kéo dài từ bờ biển ra đến giới hạn bên ngoài của thềm lục địa.
Các tỉnh, thành phố giáp biển
Hiện nay, Việt Nam có 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong đó có 28 tỉnh, thành phố giáp biển trải dài từ Bắc vào Nam với tổng chiều dài bờ biển khoảng 3.260 km từ Quảng Ninh đến Kiên Giang.
Các tỉnh thành này bao gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang.
Các huyện đảo trên bản đồ các vùng biển Việt Nam
Trước năm 2021, Việt Nam có 12 huyện đảo, nhưng từ ngày 1/1/2021, huyện đảo Phú Quốc trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Kiên Giang, nên hiện tại Việt Nam có 11 huyện đảo, bao gồm:
- Cát Hải và Bạch Long Vĩ (Hải Phòng)
- Vân Đồn và Cô Tô (Quảng Ninh)
- Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu)
- Cồn Cỏ (Quảng Trị)
- Lý Sơn (Quảng Ngãi)
- Kiên Hải (Kiên Giang)
- Hoàng Sa (Đà Nẵng)
- Trường Sa (Khánh Hòa)
- Phú Quý (Bình Thuận)
Mỗi huyện đảo có những đặc điểm và vai trò riêng biệt, có vai trò quan trọng trong bảo vệ an ninh quốc phòng, mà còn góp phần phát triển kinh tế biển đảo:
- Cát Hải và Bạch Long Vĩ: Là các cửa ngõ chiến lược phía Bắc, có tiềm năng lớn về du lịch biển và đánh bắt hải sản.
- Vân Đồn và Cô Tô: Có vị trí chiến lược quan trọng tại khu vực Đông Bắc, với tiềm năng phát triển du lịch và khai thác hải sản.
- Côn Đảo: Là nơi ghi dấu lịch sử đấu tranh của dân tộc, đồng thời là điểm du lịch và nghiên cứu sinh thái quan trọng.
- Cồn Cỏ: Nằm ở khu vực miền Trung, có vai trò bảo vệ vùng biển và phát triển du lịch sinh thái.
- Lý Sơn: Được mệnh danh là “vương quốc tỏi”, Lý Sơn không chỉ nổi tiếng với nghề trồng tỏi mà còn là điểm đến du lịch hấp dẫn.
- Kiên Hải: Là huyện đảo thuộc tỉnh Kiên Giang, có tiềm năng phát triển du lịch và nuôi trồng thủy sản.
- Hoàng Sa và Trường Sa: Có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ biển đảo của Việt Nam.
- Phú Quý: Nằm ngoài khơi tỉnh Bình Thuận, có tiềm năng lớn về du lịch và khai thác hải sản.
Các đảo và vùng biển đặc biệt của Việt Nam
Trên lãnh thổ vùng biển Việt Nam có khoảng 4.000 hòn đảo lớn nhỏ khác nhau, phân bố khắp các vùng biển từ Bắc vào Nam. Dưới đây là một số thông tin chi tiết về các đảo và quần đảo quan trọng của Việt Nam:
Phân bố các đảo theo các cùng
- Vùng biển Đông Bắc:Có hơn 3.000 hòn đảo, trong đó nổi bật nhất là Vịnh Hạ Long với 1.969 hòn đảo lớn nhỏ, bao gồm 989 đảo có tên và 980 đảo chưa được đặt tên. Vịnh Hạ Long không chỉ là di sản thiên nhiên thế giới mà còn là điểm du lịch nổi tiếng, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước.
- Vùng biển Bắc Trung Bộ: Có hơn 40 hòn đảo, tập trung chủ yếu tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, và Quảng Bình.
- Vùng biển Nam Trung Bộ và Tây Nam: Gồm hai quần đảo quan trọng là Hoàng Sa và Trường Sa. Quần đảo Trường Sa hiện tại do Việt Nam quản lý gồm tổng cộng 21 thực thể địa lý, bao gồm 7 đảo san hô/cồn và 14 rạn san hô.
Các đảo, quần đảo và vùng biển đặc biệt
- Đảo Phú Quốc: Với diện tích 574 km², Phú Quốc là hòn đảo lớn nhất Việt Nam. Đảo nổi tiếng với các bãi biển đẹp, thiên nhiên hoang sơ và là một thiên đường du lịch, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
- Quần đảo Cát Bà: Được mệnh danh là hòn ngọc của miền Bắc, quần đảo Cát Bà gồm 367 đảo lớn nhỏ, nằm ở phía Nam vịnh Hạ Long. Đây là điểm đến lý tưởng cho du khách, với các hoạt động du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng.
- Đảo Lý Sơn: Nằm cách đất liền 15 hải lý, Lý Sơn là huyện đảo duy nhất của tỉnh Quảng Ngãi. Với diện tích khoảng 10 km² và dân số khoảng 23.000 người, mật độ dân số ở Lý Sơn hơn 2.000 người/km², cao nhất trong 11 huyện đảo của Việt Nam. Đảo nổi tiếng với nghề trồng tỏi và là điểm đến du lịch hấp dẫn.
- Bãi biển Trà Cổ: Là bãi biển dài nhất Việt Nam, Trà Cổ kéo dài khoảng 17 km. Đây là bãi biển trữ tình và thơ mộng, nơi đặt nét bút đầu tiên cho chữ S trên bản đồ Việt Nam.
- Đầm phá Tam Giang: Với diện tích mặt nước khoảng 21.600 ha, Tam Giang là đầm phá lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á, chiếm 48,2% diện tích mặt nước đầm phá ven bờ biển Việt Nam. Đầm phá này là nơi có hệ sinh thái phong phú và là điểm đến du lịch sinh thái lý tưởng.
Việc hiểu biết về biển đảo Việt Nam là rất quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi chủ quyền biển đảo đang trở thành vấn đề nóng. Hy vọng những thông tin trong bài viết trên hữu ích với các bạn.